Học cách thông thạo một ngôn ngữ khác có thể rất bổ ích. Là một người Ý bản xứ thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình với tư cách là một người học ngôn ngữ.

Bài học 1: Sự độc lập

Đối với tôi, thông thạo một ngôn ngữ khác không có nghĩa là tôi có thể nói như người bản xứ (Thành thật mà nói, tôi còn rất xa mới đạt đến trình độ đó!). Thay vào đó, như thế có nghĩa là tôi có thể xoay sở khá tốt trong hầu hết các tình huống mà không cần sự trợ giúp của người phiên dịch trung gian. Như vậy, điều đầu tiên mà việc học cách thông thạo một ngôn ngữ khác dạy tôi là tính tự lập.

Tôi nhớ khi còn là một thiếu niên, tôi đã từng sang Mỹ du lịch vào mùa hè, thông qua một chuyến đi học tập theo đoàn. Lúc đó, với trình độ tiếng Anh sơ cấp của mình, chỉ nghĩ đến việc nói chuyện với người bản xứ thôi cũng làm tôi thấy sợ hãi rồi. Tại sân bay, tôi luôn phải cảnh giác cao độ và cẩn thận làm theo hướng dẫn của người tổ chức chuyến đi. Tôi biết rằng tôi phải phụ thuộc rất nhiều vào hướng dẫn viên và không thể tự mình xoay xở mà không có sự trợ giúp của họ. Ở thời điểm hiện tại, tôi vừa lấy được bằng thạc sĩ tại Anh và tôi tự hào nói rằng tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh như thể đó là tiếng mẹ đẻ của mình. Bất kể tôi đi đến đâu thì ngôn ngữ cũng không còn là rào cản khủng khiếp hay nguồn cơn khiến tôi lo lắng nữa.

Bài học 2: Giá trị văn hóa

Một bài học khác mà tôi đã học được trong quá trình học cách thông thạo một ngôn ngữ khác là khả năng nắm bắt các khía cạnh văn hóa gắn liền với chính ngôn ngữ đó. Đối với tôi, bài học này đặc biệt ứng với trường hợp của tiếng Trung. Giữa Trung Quốc và Ý có một số khác biệt cơ bản về văn hóa. Trong trí tưởng tượng của hầu hết mọi người, tiếng Trung rất khó nhằn, nhưng đây lại là ngôn ngữ tương đối dễ học, với ngữ pháp đơn giản và cấu trúc logic rõ ràng.

Các ký tự trong chữ viết tiếng Trung là cửa sổ đưa ta đến với các giá trị văn hóa Trung Quốc. Ví dụ: chữ “nam”nan) được ghép bởi chữ “điền” (tian) nằm trên và chữ “lực” (li) nằm dưới, ám chỉ tầm quan trọng của người nông dân Trung Quốc thời cổ đại. Tương tự như vậy, chữ “gia” (jia) được tạo nên từ một con lợn ở dưới mái nhà, ngụ ý rằng hai thứ này là những yếu tố cơ bản cấu thành một gia đình (mái nhà tượng trưng cho sự bảo vệ, con lợn tượng trưng cho dinh dưỡng), v.v.

Ngoài ra, các từ trong tiếng Trung không phải lúc nào cũng được hiểu theo nghĩa đen, cũng giống như trong các ngôn ngữ khác (chẳng hạn như tiếng Anh và tiếng Ý). Ví dụ: vì văn hóa Trung Quốc là một nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể mà trong đó sự hòa hợp của tập thể được đặt lên trên thành tích cá nhân, vậy nên các từ và cụm từ đôi khi cũng được sử dụng để duy trì sự hòa hợp đó (Ramos, 2014). Theo đó, “Tôi đồng ý” (wo tongyi) đôi khi lại có nghĩa là “Tôi không hoàn toàn đồng ý” hoặc “Tôi chỉ đồng ý với 10% những gì bạn đã nói”; “có lẽ” (keneng) đôi khi lại có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược, ngụ ý là “hoàn toàn không có cơ hội” (Edwards, 2000). Vì những lẽ đó, quá trình học nói thành thạo tiếng Trung đã dạy tôi rằng ngôn ngữ cũng có thể truyền tải những hàm ý về thái độ và giá trị xã hội.

Tài liệu tham khảo

Edwards, Kim. (2000). “Cultural Impacts on Language Uses: Comparing and Contrasting Chinese and United States Cultures”. Available at: https://scholarworks.wmich.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=2991&context=honors_theses

Ramos, D. C. (2014). High context. In S. Thompson (Ed.), Encyclopedia of diversity and social justice. Lanham, MD: Rowman & Littlefield Publishers.  Available at: https://books.google.com.tw/books?hl=it&lr=&id=8rotBgAAQBAJ&oi=fnd&pg=PR9&dq=Ramos,+D.+C.+(2014).+High+context.+In+S.+Thompson+(Ed.),+Encyclopedia+of+diversity+and+social+justice.&ots=nJiF27WCO0&sig=ywV44b89WldCio4iVMahWmJAfSU&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false