Có ai chưa từng gặp một gia đình hỗn hợp nào và luôn tự hỏi sống trong một gia đình đa ngôn ngữ sẽ như thế nào không? Trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên kết nối, các gia đình đa ngôn ngữ đang ngày càng trở nên phổ biến. Hãy cùng xem những ưu và nhược điểm của việc sống trong môi trường đa ngôn ngữ nhé.

Đa ngôn ngữ đã được chứng minh là mang lại lợi ích cho các cá nhân ở nhiều khía cạnh. Từ việc tăng cường sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cho đến việc đạt được lợi thế trong học tập và làm việc. Các chuyên gia đã nhấn mạnh vô số lợi ích của việc nuôi dạy trẻ em theo hướng đa ngôn ngữ. Nhưng các chuyên gia vẫn chưa xét đến cách quá trình này diễn ra trong các gia đình cũng như những thách thức mà họ phải đối mặt trong quá trình đó.

Những thách thức của môi trường đa ngôn ngữ

Trên thực tế, sống trong một gia đình đa ngôn ngữ không hề dễ dàng và việc nuôi dạy một đứa trẻ đa ngôn ngữ cũng có thể sẽ rất khó khăn! Lấy bản thân tôi làm ví dụ, tôi là người Ý, bạn đời của tôi là người Đài Loan và tiếng Anh là ngôn ngữ chung trong gia đình chúng tôi – con gái chúng tôi được nuôi dạy bằng ba thứ tiếng. Tôi gặp phải khó khăn cả ở cấp độ cá nhân lẫn cấp độ nuôi dạy con cái.

Khác biệt văn hóa và hao mòn ngôn ngữ thường xuất hiện trong những gia đình mà mỗi phụ huynh nói một ngôn ngữ riêng và giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ thứ ba. Khác biệt văn hóa xuất hiện dưới dạng các giá trị và truyền thống khác nhau, còn hao mòn ngôn ngữ có thể hiểu là tình trạng suy giảm trình độ ngôn ngữ bản xứ, theo như Nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ lời nói Susanne Obenaus định nghĩa). Tôi đã trải qua tình trạng hao mòn ngôn ngữ sau khi chuyển đến Anh và sau đó là đến Đài Loan. Xung quanh tôi không có người nói tiếng Ý và việc sử dụng tiếng Anh và tiếng Trung để giao tiếp hằng ngày thường khiến não tôi quên một số từ tiếng Ý mà sau đó tôi phải dùng các từ tiếng Anh hoặc tiếng Trung tương đương để thay thế. Đồng thời, trình độ tiếng Anh (chưa kể đến tiếng Trung!) của tôi tuy trôi chảy nhưng cũng không đủ tôi giao tiếp mượt mà như người bản xứ. Đôi khi sợ rằng mình sẽ truyền cho con gái những cách sử dụng ngôn ngữ sai hoặc một phiên bản ngôn ngữ đã bị đơn giản hóa quá mức. 

Phương pháp OPOL

Từ góc nhìn của người làm cha mẹ, nhiều chuyên gia khuyến nghị phương pháp “một phụ huynh - một ngôn ngữ” (OPOL) cho gia đình đa ngôn ngữ. Tức là cả cha và mẹ đều nói tiếng mẹ đẻ của mình với đứa trẻ. Các phương pháp khác, chẳng hạn như nói các ngôn ngữ khác nhau mỗi ngày, có thể khiến trẻ cảm thấy bối rối và thiếu tự nhiên. Nhưng phương pháp OPOL cũng có vấn đề. Ví dụ: khi chuyển đến sống tại một trong những quốc gia của cha mẹ, đứa trẻ sẽ cho rằng ngôn ngữ nói xung quanh là “quan trọng hơn”. Kết quả là nhiều khả năng đứa trẻ học ngôn ngữ đó nhanh hơn ngôn ngữ của phụ huynh còn lại. Vì những lẽ đó, việc duy trì sự cân bằng có thể sẽ là một thách thức. Một vấn đề khác là phương pháp này sẽ khiến người phụ huynh không hiểu ngôn ngữ của phụ huynh còn lại bị loại khỏi cuộc trò chuyện giữa phụ huynh đó với đứa trẻ. Để tránh tình trạng này, lý tưởng nhất là cả cha và mẹ đều hiểu được tất cả các ngôn ngữ được sử dụng trong gia đình.

Kết luận

Tóm lại, đa ngôn ngữ thì tốt thật đấy, nhưng sống và nuôi dạy con cái trong môi trường đa ngôn ngữ không phải là việc dễ dàng! Các gia đình đa ngữ phải vượt qua nhiều thử thách mà các gia đình đơn ngữ không gặp phải. Tuy nhiên, phần thưởng rất đáng công! Những lợi ích lâu dài của đa ngôn ngữ đối với cả cha mẹ và con cái rất xứng đáng với những nỗ lực và hy sinh to lớn, đôi khi là cả nỗi thất vọng mà môi trường ngôn ngữ độc đáo này mang lại.

Tài liệu tham khảo

Obenaus, S. (2018) ‘It feels right for us’ – experiences of a multilingual family. Available at: http://www.bilingualism-matters.ppls.ed.ac.uk/it-feels-right-for-us-experiences-of-a-multilingual-family/.