Học một ngôn ngữ mới nghe có vẻ thú vị nhưng quá trình này đôi khi cũng có thể khiến bạn nản lòng. Hãy đọc hết bài viết để tránh rơi vào những cạm bẫy phổ biến khi học ngôn ngữ này nhé.

Một trong những cạm bẫy phổ biến nhất khi học ngôn ngữ chắc chắn là đặt ra những kỳ vọng xa rời thực tế. Vấn đề này xảy ra với người học ở mọi cấp độ và kinh nghiệm. Học ngôn ngữ không phải là việc mà bạn có thể hoàn thành trong một khoảng thời gian cố định. Đơn giản bởi vì trình độ ngôn ngữ chỉ có thể được duy trì thông qua thực hành và tiếp xúc liên tục với ngôn ngữ mục tiêu. Như Lesley Vos giải thích, “quá trình học ngôn ngữ gợi liên tưởng đến một cuộc chạy ma-ra-tông hơn là chạy nước rút”. Vì vậy, sẽ không thực tế nếu mong đợi có thể “nhảy cấp” như thỏ rừng chỉ trong vài tháng, hoặc thậm chí tệ hơn là vài tuần. Trước khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, trước tiên bạn nên chấp nhận quan niệm học ngôn ngữ là một quá trình lâu dài và bạn cần phải kiên trì. Mặt khác, việc không đặt ra bất kỳ mục tiêu nào gây bất lợi cho việc học ngôn ngữ cũng tương tự như đặt ra các mục tiêu không thực tế. Giải pháp? Hãy thử đặt mục tiêu nhỏ cho mỗi tuần, ví dụ: có thể nói một câu trọn vẹn bằng những từ vựng đã học hoặc bằng một mẫu ngữ pháp mới mà bạn vừa học được. Hãy cố gắng ghi nhớ câu đó và nếu có thể hãy cố gắng sử dụng nó nhé! 

Một cạm bẫy phổ biến khác mà người học ngôn ngữ mắc phải là dịch trực tiếp từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngôn ngữ đích khi họ nói. Mặc dù người học ngôn ngữ thường có xu hướng dịch ra (điều này đặc biệt đúng với những người mới học ngôn ngữ!), nhưng đó là một thói quen sai lầm mà bạn nên cảnh giác, bởi hầu hết các ngôn ngữ không diễn đạt cùng một khái niệm bằng từ ngữ hay cấu trúc giống nhau. Vượt qua “bẫy dịch” là một thử thách khó khăn nhưng hoàn toàn khả thi! Đầu tiên hãy nghe người bản ngữ nói và cố gắng ghi nhớ toàn bộ các câu. Tôi biết trường học khuyến khích chúng ta không nên học thuộc lòng mà thay vào đó hãy sử dụng tư duy của mình. Tuy nhiên, việc học thông qua kỹ thuật ghi nhớ không chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất cho việc học ngôn ngữ mà còn rất cần thiết! Thử nghĩ về cách trẻ em tiếp thu ngôn ngữ xem: các em nghe các từ và tự mình lặp lại chính xác theo cách đã nghe. 

Cuối cùng, cạm bẫy phổ biến nhất của học ngôn ngữ là không chịu nói. Tại sao một số người lại không dám nói bằng ngôn ngữ mà mình đang học? Có rất nhiều lý do, ví dụ: thiếu tự tin, tính cách hướng nội, sợ mắc lỗi, thậm chí là sợ bị người bản xứ đánh giá. Có lẽ các bạn cũng biết… như thế là không đúng. Để nói được không phải chỉ cần luyện phát âm không thôi mà ghi nhớ câu cũng rất quan trọng. Mặc dù đây là phương pháp tốt nhất nhưng ban đầu bạn có thể sẽ cảm thấy sợ hãi khi phải ra ngoài và nói chuyện với người bản xứ. Vậy tại sao bạn không thử luyện tập bằng điện thoại hoặc máy tính? Có thể việc này sẽ giúp bạn làm quen dần và từ đó cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện ngoài đời thực.